Đa dạng hóa dịch vụ bay để vượt khó
Khoảng 80% doanh thu của VNH là từ hoạt động bay dầu khí, vì vậy việc khách hàng dầu khí cắt giảm giờ bay do giá dầu giảm đã ảnh hưởng lớn đến đời sống cán bộ, nhân viên. Song trong khó khăn, VNH đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, thể hiện bản lĩnh, ý chí của Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận làm kinh tế...
Thời gian bay dầu khí giảm mạnh
Sự ra đời của VNH gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của công nghiệp dầu khí. Hiện nay, Tổng công ty sở hữu đội hình máy bay đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều dòng hiện đại bậc nhất thế giới như: AW-189, EC-225, EC-155B1... cùng đội ngũ phi công nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật viên lành nghề. Tính đến nay, Tổng công ty đã thực hiện hơn 400.000 giờ bay an toàn tuyệt đối đến khắp mọi miền Tổ quốc.
Thiếu tướng Hà Tiến Dũng, Tổng giám đốc VNH nhớ lại: Trong khoảng 12 năm đầu từ khi thành lập, VNH chỉ được bay phục vụ Vietsovpetro, còn các hãng dầu khí khác hoạt động tại Việt Nam đều sử dụng phi công và trực thăng của nước ngoài. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực cao, VNH đã tập trung xây dựng nguồn nhân lực để đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra, chú trọng việc tích lũy kinh nghiệm, đào tạo huấn luyện đội ngũ phi công, cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao với giá cả hết sức cạnh tranh nên từ năm 1997, VNH đã hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường trực thăng trong nước, “đẩy” các hãng trực thăng nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam. “Đây là thành tích rất đáng tự hào không chỉ về mặt kinh tế mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”-Thiếu tướng Hà Tiến Dũng chia sẻ.
Hiện nay, doanh thu từ hoạt động bay dầu khí chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 80%) trong tổng doanh thu của VNH. Vì vậy, trong bối cảnh giá dầu giảm sâu mấy năm gần đây, các khách hàng dầu khí thắt chặt chi tiêu, triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ trực thăng do VNH cung cấp đã khiến VNH thực sự rơi vào khó khăn. Nếu như năm 2014, VNH thực hiện 16.000 giờ bay cho ngành dầu khí thì năm 2015 giảm xuống còn 12.000 giờ, kế hoạch bay năm 2016 chỉ khoảng 9.000 giờ. Giờ bay giảm sút khiến doanh thu dự kiến năm 2016 của VNH giảm gần 40% so với năm 2015; thu nhập trung bình của cán bộ, nhân viên cũng chỉ bằng 40% so với trước đây.

Một buổi bay huấn luyện phòng cháy, chữa cháy của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam.
Đẩy mạnh tái cơ cấu
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo VNH chúng tôi được biết, nhằm chia sẻ khó khăn với ngành dầu khí, thời gian qua, VNH đã chủ động cắt giảm chi phí, tính toán giảm đến mức tối đa phí dịch vụ bay. Tuy nhiên, trên thực tế để có thể bảo đảm hoạt động của máy bay trong mọi điều kiện, Tổng công ty đã phải duy trì một lực lượng lớn phi công, kỹ sư và các kỹ thuật viên trải dài khắp đất nước; định kỳ hằng năm các phi công đều phải trải qua các khóa huấn luyện bắt buộc ở các nước như Pháp, Anh, Nga... với kinh phí không nhỏ, nên việc tiếp tục giảm phí dịch vụ bay là hết sức khó khăn.
Làm gì để bảo đảm thu nhập, đời sống của cán bộ, nhân viên trong khi nhu cầu bay của khách hàng dầu khí giảm mạnh? Theo Thiếu tướng Hà Tiến Dũng, giải quyết mâu thuẫn này không còn cách nào khác là phát huy sự sáng tạo, bản lĩnh, ý chí quyết tâm của mỗi cán bộ, nhân viên VNH, để tái cơ cấu toàn diện, đa dạng hóa dịch vụ bay và tìm kiếm các giải pháp phù hợp với từng khách hàng, đưa ra dịch vụ, chính sách dịch vụ, giá cả hợp lý nhất...
Những ngày đầu tháng 4-2016, đến Công ty Trực thăng miền Nam, một công ty thành viên của VNH, chúng tôi thấy các phi công của VNH đang khẩn trương hoàn tất công tác huấn luyện để có thể cùng hai máy bay chuyên dụng sang In-đô-nê-xi-a thực hiện hợp đồng bay phòng cháy, chữa cháy. Trước đó, trong năm 2015, VNH cũng đã khai trương dịch vụ bay tham quan bằng máy bay trực thăng EC130T2 tại thành phố Đà Nẵng... Đây là hai trong nhiều hoạt động mà Tổng công ty mới triển khai nhằm đa dạng hóa dịch vụ bay. Đặc biệt, phát huy tinh thần sáng tạo, thời gian qua đội ngũ cán bộ, phi công, kỹ thuật viên của VNH đã có nhiều giải pháp bay phù hợp, hiệu quả, điển hình như thực hiện bay treo cẩu thay thế đầu đuốc giàn khoan bằng trực thăng cho Công ty Dầu khí Cửu Long JOC, nhờ dịch vụ này, khách hàng đã tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí so với sử dụng phương án khác và không phải dừng hoạt động giàn khoan; cung cấp dịch vụ trực thăng để thu/thả người của Vietsovpetro ra giàn chân đế Thiên Ưng trong điều kiện thời tiết khó khăn, được đối tác đánh giá cao vì đáp ứng kịp thời tiến độ dự án, tiết kiệm chi phí so với sử dụng tàu theo kế hoạch ban đầu...
Nhằm giải quyết khó khăn, thời gian tới VNH tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tìm kiếm cơ hội ở các loại hình dịch vụ khác cũng như ở nước ngoài, đặc biệt là các dự án không phải dịch vụ dầu khí tại các thị trường Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, bay cho Dự án gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; mở rộng hơn nữa dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu các loại máy bay; huấn luyện, đào tạo phi công trực thăng cho khách hàng trong và ngoài nước...
Bài và ảnh: TRUNG NAMĐội trực thăng Super Puma của VNH đạt cột mốc 75.000 giờ bay
(28/8/2024)Công bố thông tin định kỳ năm 2023
(30/6/2024)Binh đoàn 18 điều trực thăng kịp thời đưa ngư dân từ đảo Phan Vinh về đất liền cấp cứu.
(16/8/2023)Trao quyết định thăng quân hàm sĩ quan cấp bậc Thiếu tướng cho đồng chí Đại tá Kiều Đặng Hùng, Tư lệnh Binh đoàn 18
(5/10/2022)Vững vàng cánh bay trên biển xanh, rừng thẳm
(1/6/2022)Lễ ký hợp đồng bảo hiểm hàng không giữa Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và liên danh bảo hiểm PVI – bảo hiểm Bảo Việt - MIC
(18/4/2022)Kỷ niệm 37 năm ngày thành lập Công ty Trực thăng Miền Nam (11/3/1985-11/3/2022)
(11/3/2022)Chuyến bay cấp cứu bệnh nhân ở trường sa hạ cánh tại bệnh viện quân y 175
(24/2/2022)Binh đoàn 18 - Tổng công ty Trực thăng Việt Nam tham gia Triển lãm “Thành tựu tiêu biểu trong thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế” và Hội chợ thương mại năm 2021 trên không gian mạng.
(17/12/2021)Bay cấp cứu thành công bệnh nhân từ Đảo Song Tử Tây, Quần đảo Trường sa
(16/11/2021)